바로가기 메뉴 본문 바로가기 주메뉴 바로가기
Giới thiệu cơ quan

Lời chào

  1. Giới thiệu cơ quan
  2. Lời chào

Chào mừng Quý vị ghé thăm cổng thông tin của Tổng Lãnh sự quán Đại Hàn Dân Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, phụ trách các hoạt động chính bao gồm Hợp tác hữu nghị, Xúc tiến đầu tư thương mại với nước sở tại và Bảo hộ công dân, với phạm vi hoạt động trên 02 thành phố và 14 tỉnh thành phía Nam.

 

Năm nay là năm kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên giao lưu trực tiếp giữa Hàn Quốc và Việt Nam thực tế đã bắt đầu từ thời vương triều Cao Ly (Goryeo) trong lịch sử.

 

Tư liệu lịch sử có ghi chép lại, Lý Long Tường (Yi Yong-sang) - người con trai thứ bảy của vua Lý Anh Tông, vị hoàng đế thứ sáu đời Nhà Lý, triều đại độc lập lâu dài đầu tiên của Việt Nam - đã lánh nạn đến Cao Ly (Goryeo) khi triều đại suy vong vào năm 1226 và trở thành tổ tiên của dòng họ Lý Hoa Sơn (Hwasan Yi-ssi, Hoa Sơn Lý thị) của Hàn Quốc. Dựa theo tài liệu lịch sử Ủng Tân Phủ Ấp Chí (Ongjinbueupji) biên soạn năm 1879, Lý Long Tường dưới thời trị vì của vua Cao Tông (Gojong) đã lập công trong việc chống lại sự xâm lược của quân Mông Cổ nên được phong là Hoa Sơn Quân (Hwasan-gun), được ghi nhận công lao lên bia công trạng tại Thụ Hàng Môn (Suhang-mun).

Hậu duệ đời thứ 13 của Lý Long Tường là Lý Trường Phát (Yi Jang-bal) từng tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên chống quân xâm lược Nhật Bản năm 1592 và hy sinh anh dũng ở tuổi 19. Để ghi nhận lòng trung trinh và hiếu tâm của vị anh hùng này, người dân đã xây dựng đền thờ Trung Hiếu Đường (Chunghyodang) vào khoảng năm 1750 và hiện di tích lịch sử này vẫn còn được bảo tồn tại Làng Việt Nam ở Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsanbuk-do.

 

Trước thời kỳ Lý Long Tường lưu vong đến Cao Ly, năm 1127 Lý Dương Côn (Yi Yang-gon) - hoàng tử thứ ba của vua Lý Nhân Tông, vị hoàng đế thứ tư Nhà Lý - sau biến loạn tranh đấu giành ngai vàng, cũng lưu vong sang Bắc Tống và sau đó đến định cư tại Cao Lytrở thành tổ tiên của dòng họ Lý Tinh Thiện (Jeongseon Yi-ssi, Tinh Thiện Lý thị) ngày nay.

 

Năm 1995, chính phủ Việt Nam đã công nhân dòng họ Lý Hoa Sơn và dòng họ Lý Tinh Thiện là hậu duệ của vương triều nhà Lý, và mời đại diện các dòng họ này về tham dự Lễ hội Đền Đô kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang được t chức hằng năm. Ngoài ra, việc gặp gỡ và giao lưu xướng hoạ thơ văn giữa các sứ thần hai bên diễn ra tại Trung Quốc có lẽ đã bắt đầu từ rất lâu trước thời điểm các hoàng tử Nhà Lý lưu vong sang Vương quốc Cao Ly. Theo đó, có thể nói rằng, lịch sử giao lưu hữu nghị giữa Đại Hàn Dân Quốc và Việt Nam đã có từ ít nhất cách đây 900 năm.

 

Với lịch sử giao lưu từ lâu đời như vậy, hai nước có khá nhiều điểm tương đồng với nhau về nhiều mặt. Cụ thể như người dân hai nước rất coi trọng lễ nghi và thể diện, tôn kính người lớn tuổi, tình cảm gia đình khăng khít, siêng năng chăm chỉ và chú trọng giáo dục.

 

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, hai nước đã đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực như Chính trị-Kinh tế-Văn hóa-Giáo dục.

 

Hiện nay quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã đạt đến mức độ cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện” và Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Đặc biệt, quy mô thương mại của hai nước đã tăng gấp 175 lần và hai bên đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau. Tại Hàn Quốc, thành viên gia đình Hàn –Việt khoảng 80.000 người trên tổng số gia đình đa văn hóa, mặt khác trong số các cặp vợ chồng gia đình đa văn hóa kết hôn năm 2022 cô dâu quốc tịch Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với 23%. Năm ngoái, số lượng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã vượt quá 70.000 người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất tại Hàn Quốc. Hiện tại có hơn 170.000 kiều bào Hàn Quốc đang cư trú tại Việt Nam và ở chiều ngược lại có hơn 230.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc.

 

Thoáng chốc hai nước đã tr thành bè bạn, trở thành anh em, trở thành thông gia của nhau. Sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc không phải ngẫu nhiên, mà dựa trên bối cảnh từ những tương đồng văn hóa và lịch s giao lưu lâu đời của hai nước.

 

Hiện nay, hơn 90.000 Hàn kiều đang sinh sống, học tập và làm việc, cùng khoảng 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở miền Nam Việt Nam chính là nền tảng tiêu biểu cho sự cộng sinh, cùng phát triển và thịnh vượng chung cho cả hai Quốc gia. Trong phạm vi hoạt động tại các tỉnh thành phía Nam Việt Nam, Tổng lãnh Sự Quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực củng cố thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hàn Quốc và Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như bảo hộ công dân và tích cực thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa-giáo dục của hai bên.

Tổng Lãnh sự quán Đại Hàn Dân Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh